Mức lọc cầu thận – chỉ số đánh giá chức năng thận của bạn

Trong cơ thể con người, hệ thống thận – tiết niệu đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các chất độc và sản phẩm chuyển hóa có hại ra ngoài cơ thể. Đồng thời, thận cũng tham gia vào điều hòa một số quá trình quan trọng như cân bằng nước – điện giải, cân bằng Canxi – phospho, tạo máu… Chính vì giữ nhiều vai trò quan trọng như vậy mà chức năng của thận là một thông số rất được bác sĩ và bệnh nhân quan tâm, nó được phản ánh qua một thông số gọi là mức lọc cầu thận.

1. Mức lọc cầu thận là gì?

Mức lọc cầu thận là chỉ số phản ánh lượng máu của cơ thể được lọc qua thận trong một đơn vị thời gian (được biểu thị dưới đơn vị là mL/phút). Chỉ số này trong một số trường hợp còn có sự hiệu chỉnh theo diện tích da của cơ thể về chuẩn và được ghi kèm đơn vị là ml/phút/1.73 m2 da. Mức lọc cầu thận cho biết khả năng lọc máu của thận và là một thông số quan trọng để nhận định thận của bạn có thực sự “tốt” hay không. Ở người trưởng thành bình thường, mức lọc cầu thận thường trên 90 ml/phút. 

Mức lọc cầu thận

Mức lọc cầu thận

Cần lưu ý rằng không phải mức lọc cầu thận bình thường là không có bệnh thận. Thực tế cho thấy thận có hoạt động bù trừ tốt nên ở một số trường hợp bệnh nhân chỉ có 1 quả thận nhưng mức lọc cầu thận có thể vẫn ở mức bình thường (như trên bệnh nhân ghép thận chẳng hạn). 

Tìm hiểu thêm thông tin về: hội chứng Alport tại đây.

2. Tại sao cần biết mức lọc cầu thận của bản thân

Mức lọc cầu thận phản ánh khả năng hoạt động lọc máu của quả thận, do đó dựa vào thông số này kết hợp với các xét nghiệm và thăm khám lâm sàng khác, người ta có thể đánh giá được người bệnh đang có vấn đề về thận hay không?

Tại sao cần biết mức lọc cầu thận?

Tại sao cần biết mức lọc cầu thận?

Đánh giá mức lọc cầu thận, nếu mức lọc cầu thận thấp hơn người bình thường, người bệnh có thể đang mắc các vấn đề về thận thực sự (bệnh thận mạn tính, tổn thương thận cấp…). Trong bệnh thận mạn tính, người ta sử dụng mức lọc cầu thận để phân chia giai đoạn bệnh, mức lọc cầu thận dưới 15 ml/phút tương đương với bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối (giai đoạn V) và cần đến các biện pháp điều trị thay thế thận suy như lọc máu, lọc màng bụng hoặc ghép thận.

Mức lọc cầu thận (ml/phút/1.73 m2 da)

Giai đoạn bệnh thận mạn tính

> 90 

I

Từ 60 đến 90

II

Từ 30 đến 60

III

Từ 15 đến 30

IV

Dưới 15

V (cần điều trị thay thế)

Bảng phân độ bệnh thận mạn tính theo mức lọc cầu thận

Tuy nhiên nếu mức lọc cầu thận quá cao thì cũng không đảm bảo người bệnh có hai quả thận khỏe mạnh hơn bình thường, vì đó có thể là biểu hiện của việc thận đang phải làm việc gắng sức, tăng lọc. Điều này dễ dẫn đến suy chức năng thận về sau do thận phải làm việc quá tải trong thời gian dài.  

3. Cách tính toán mức lọc cầu thận như thế nào?

Thực tế khó lòng đánh giá chính xác mức lọc cầu thận của một người nếu chỉ dựa trên các chỉ số xét nghiệm thông thường. Xạ hình thận là phương pháp giúp đánh giá mức lọc cầu thận có độ chính xác nhất hiện nay. Ngoài ra, trong thực hành lâm sàng, có rất nhiều công thức để ước tính mức lọc cầu thận (tương đối) với các hàm số toán học như CKD-EPI, MDRD, Cockcroft-Gault… Các công thức này đa phần đều sử dụng chỉ số creatinin huyết thanh để tính toán mức lọc cầu thận (có hiệu chỉnh dựa trên tuổi, giới, chủng tộc, cân nặng). Trong đó, công thức Cockcroft-Gault được sử dụng rộng rãi nhất trên lâm sàng do dễ tính toán và áp dụng thường quy để tính toán mức lọc cầu thận (MLCT) cho người bệnh. Cụ thể như sau:

MLCT = (140 – tuổi) x [cân nặng (kg)] / 0,814 x [Nồng độ Creatinin máu (mcmol/l)]

Cách tính mức lọc cầu thận

Cách tính mức lọc cầu thận

4. Cần làm gì khi có mức lọc cầu thận bất thường

Nếu được thông báo có mức lọc cầu thận thấp hơn bình thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh làm các xét nghiệm máu, nước tiểu và chẩn đoán hình ảnh để tìm nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận ở người bệnh. Cần lưu ý rằng thông số mức lọc cầu thận chỉ phản ánh hoạt động của quả thận tại một thời điểm chứ không có ý nghĩa để chẩn đoán xác định bệnh nhân suy thận mạn tính hoặc thận đã “hỏng”. Bạn nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa Thận tiết niệu để được tư vấn và điều trị cũng như xác định nguyên nhân gây bệnh nếu như chỉ số này có sự bất thường. 

Mong rằng bài viết mà IVIE đã chia sẻ trên đây sẽ mang lại cho bạn đọc những thông tin bổ ích về mức lọc cầu thận và chỉ số đánh giá chức năng thận, từ đó có thể góp phần bảo vệ sức khỏe cho bạn và gia đinhg tốt hơn.